12 Trò Chơi Bố Mẹ Chơi Cùng Con Hàng Ngày Giúp Con Khỏe Mạnh, Tự Tin Và Hạnh Phúc Hơn

Quãng thời gian tôi nhớ nhất trong ký ức của mình đó là lúc cả gia đình quây quần, vui vẻ bên nhau. Vì vậy, khi có con, tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian bên con nhiều nhất có thể.

Đặc biệt là khoảng thời gian cùng chơi với con, thời gian cả nhà cùng ăn tối, hay thời gian cùng nhau đọc sách, kể chuyện trước khi đi ngủ. 

Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ cùng bạn 12 trò chơi mà cả nhà cùng có thể tham gia. 

Nhất là trong những ngày con ở nhà. 

Tôi lựa chọn các trò chơi dựa trên các tiêu chí: 

  • Tính an toàn: đây là tiêu chí hàng đầu khi tôi chọn trò chơi cũng như các đồ chơi cho con, mỗi đồ chơi đều được chọn lựa kỹ càng, không có bavia, không sắc nhọn, không gây thương tích. 

Và không chỉ an toàn về mặt vật chất mà còn cần an toàn về cả tinh thần. Các đồ chơi nên chọn đồ chơi đẹp, màu sắc nhã nhặn, không khiến con bị sợ hãi, ám ảnh. 

  • Dễ chơi, phù hợp với lứa tuổi và tính cách của con: tôi thường chọn các trò chơi có tính thử thách vừa phải, không quá dễ hay quá khó, như vậy con sẽ rèn được tính kiên trì, nỗ lực thực hiện để đạt được kết quả tốt. 
  • Tiết kiệm chi phí: các đồ chơi có chi phí cao có thể gây ra áp lực về tài chính và sự lãng phí không cần thiết. Tôi quan niệm, cách chơi quan trọng hơn đồ chơi. Do vậy mỗi đồ chơi cho con đều ở ngân sách hợp lý. Khi chơi sẽ cho con thật nhiều trải nghiệm thú vị, và rèn cho con những đức tính tốt đẹp, sự kiên trì, không ngại gian khổ, dám đối mặt với thử thách.
  • Tiện lợi, có thể chơi nhiều lần, nhiều nơi: một trò chơi thú vị, hữu ích là trò chơi có thể chơi được nhiều lần, thậm chí con có thể chơi đi chơi lại mà không hề thấy nhàm chán.  Mỗi khi có thời gian rảnh cả nhà lại cùng chơi với nhau. 

Khi chờ ở sân bay, trên ô tô, trên bàn ăn tại nhà hàng, tất cả đều có thể áp dụng các trò chơi thú vị giúp con luôn cảm thấy yêu đời.

  • Cả nhà cùng chơi hoặc con có thể chơi một mình: với tôi, việc rèn cho con khả năng tự chơi, tự học là vô cùng quan trọng. Khi chơi cùng với gia đình, chắc chắn con sẽ cảm thấy rất thích thú, nhưng không phải vì thế mà lệ thuộc vào gia đình. 

Các trò chơi này tôi luôn dành thời gian hướng dẫn con tự chơi một mình. Đó cũng là thời gian con tự nghiên cứu, sáng tạo theo cách của riêng mình. 

Dưới dây là 12 trò chơi bố mẹ có thể chơi cùng con, trong mỗi trò chơi đều có hướng dẫn chi tiết cách chơi, lưu ý khi chơi, tác dụng mỗi trò chơi. 

Trò chơi lắp ghép giúp tăng sự kiên trì, luyện mắt tinh, sự nhanh nhẹn

Trò chơi lắp ghép (lego, legin, … ) là trò chơi quen thuộc với rất nhiều gia đình. 

Khi còn nhỏ, tôi thường chọn các bộ xếp khối gỗ cho con chơi. Đến khi lớn thì chọn các bộ đồ chơi mang tính thử thách hơn, đòi hỏi các con phải sắp xếp theo đúng quy trình, thứ tự từng bước 1. Chúng tôi thường ví von con như một kiến trúc sư thiết kế lắp ghép lên 1 công trình tầm cỡ.

Hai bố con cùng chơi lắp lego

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chơi trò chơi xếp hình lego này. 

Nhiều nhà mua cho con nhưng không kiên trì, không biết cách chơi nên con nhanh chán.

Mỗi bộ đồ chơi lego cấp độ dành cho các bạn 4 tuổi trở lên thường gồm từ 200 chi tiết trở lên, các chi tiết này rất nhỏ nên đôi khi việc tì kiếm có thể gặp chút khó khăn. Bạn có thể tham khảo các bước chơi bộ lắp ghép lego như sau: 

Bước 1: Mở hộp đồ chơi, giới thiệu với con về mô hình chuẩn bị lắp ghép

Bước 2: Phân loại các chi tiết theo màu sắc để tiện cho việc lấy các chi tiết ở mỗi thử thách.

Bước 3: Bắt đầu thực hiện từng thử thách cho tới khi hoàn thành. 

Bước 4: Ghi nhận thành quả của con và tất cả mọi người đã tham gia. 

Một số lưu ý khi chơi: 

  • Ở mỗi thử thách, đôi khi có những chi tiết nhỏ mà mất rất nhiều thời gian vẫn chưa tìm ra. Lúc này chúng ta có thể để vậy, tiếp tục sang thử thách tiếp theo. Chi tiết còn thiếu có thể sẽ xuất hiện sau đó. Nếu chúng ta sa vào tìm 1 chi tiết sẽ không thể hoàn thành tổng thể, đôi khi còn làm mất hứng thú của cả nhóm chơi. 
  • Có khu vực chơi riêng, đảm bảo đủ không gian, yên tĩnh khi chơi.
  • Ở một số nước châu Âu như Đức, … người ta có thói quen, chỉ lắp lego 1 lần, sau đó đóng khung cất đi. Với gia đình tôi, chúng tôi thường chụp ảnh kết quả, sau đó gỡ ra chơi đi chơi lại nhiều lần. 
  • Con hoàn toàn có thể lắp lego theo ý tưởng và cách riêng của mình. Điều này chỉ thực kiện sau khi con đã hoàn thành sản phẩm theo đúng quy trình. 

Trò chơi vận động giúp bé có sức khỏe tốt, rèn sự dẻo dai, linh hoạt 

Vận động không chỉ khiến cho cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng mà còn giúp cho con rèn tư duy logic, kỹ năng giải quyết vấn đề. 

Thông qua các trò chơi vận động, các bé sẽ nhanh nhẹn, hoạt bát vì vậy mà luôn yêu đời, rất ít khi ủ rũ, mệt mỏi. Tinh thần cũng ổn định, ít khi cáu gắt hơn. 

Ở nhà, tôi có quy định riêng từng góc với từng nhiệm vụ khác nhau như: góc đọc sách để cả nhà cùng đọc sách, đôi khi là nơi con biểu diễn, hay bố mẹ đứng lên chia sẻ về một điều hay ho nào đó. Các phòng riêng của con, con có thể trang trí, sắp xếp cho phù hợp với sở thích. Và có 1 góc mà tôi gọi là góc vận động. 

Con chơi vận động theo các bước chân trên sàn

Tại góc này tôi dán các hình bàn chân lên sàn nhà, cả nhà có thể cùng thi nhảy xem ai về đích trước. 

Không chỉ có hình bàn chân, tôi dán thêm các số đếm, bảng chữ cái tiếng Anh. 

Như vậy là có thể tạo ra vô số trò chơi cho con. 

Một số trò chơi bố mẹ có thể tham khảo như: 

  • Nhảy theo số, chữ cái: Bố mẹ đếm, con nhảy tới đúng số, chữ cái được đọc. 
  • Phép cộng: bố mẹ hỏi 1 + 2 bằng mấy, con có nhiệm vụ nhảy tới đúng kết quả.
  • Trò chơi ai nhảy nhanh hơn. 
  • ….

Với sự sáng tạo của mình, tôi tin rằng bạn sẽ nghĩ ra vô số các trò chơi thú vị nữa đấy. 

Các trò chơi cùng bàn ánh sáng giúp bé tăng khả năng tập trung 

Đây là trò chơi chúng tôi rất yêu thích. 

Từ khi các con khoảng 1 tuổi, tôi bắt đầu cho con tiếp xúc với bàn ánh sáng. 

Mọi thứ khi đặt lên bàn ánh sáng đều đẹp kỳ lạ, nó giống như một sân khấu, 1 sàn diễn cho các con tỏa sáng. 

Khi đèn được tắt đi, chỉ có bàn ánh sáng, bạn sẽ cảm thấy như mình đang là trung tâm của vũ trụ, bạn được tự do, phiêu bồng với chính mình. 

Con cùng bạn chơi cùng bàn ánh sáng thật vui

Một số trò chơi cùng bàn ánh sáng: 

  • Diễn kịch: đây là trò chơi giúp con tăng khả năng ngôn ngữ, thay vì việc kể chuyện hay đọc sách thông thường, bây giờ bạn chỉ cần chuẩn bị thêm vài đạo cụ như con vật, cây cối, đặt trên bàn ánh sáng, như vậy là bạn đã có thể cùng con diễn một vở kịch. 
  • Tô màu, vẽ tranh trên bàn ánh sáng. 
  • Chơi xếp hình. 
  • Trò chơi toán học. 
  • Đặt chiếc lá lên bàn ánh sáng, tập trung quan sát từng chiếc gân lá thật thú vị biết bao. 

Đọc sách cho bé nghe những câu chuyện, cuốn sách phù hợp với lứa tuổi 

Sách là người bạn thân thiết với mỗi chúng ta. Thực sự là như vậy. 

Nếu như có ai đó có thể luôn bên cạnh khi ta cần tới. 

Có thể an ủi khi chúng ta gặp khó khăn 

Đôi khi có thể thay đổi tư duy, thay đổi cuộc đời một ai đó. 

Thì chỉ có thể là sách. 

Nhưng không phải cứ mua thật nhiều sách và hàng ngày đọc sách là con sẽ yêu thích việc đọc sách. Với tôi, mỗi lần đọc xong một cuốn sách mất rất nhiều năng lượng, nhưng khi hưởng trái ngọt từ việc đọc sách cho cũng rất tuyệt vời. 

Kinh nghiệm đọc sách của tôi: 

  • Chọn cuốn sách có nội dung và hình thức phù hợp với lứa tuổi, khả năng tiếp thu của con. Lúc con còn nhỏ, tôi chọn những cuốn sách mỏng, có nhiều hình ảnh đẹp, bắt mắt, số lượng chữ ít. Khi con lớn, tôi chọn các bộ sách như chuột Tip, Bubu, Peppa pig, … để con nhớ được nhân vật, hiểu diễn biến, luôn hồi hộp, háo hức khi nghe đọc sách. 
  • Chuẩn bị kỹ trước khi đọc sách cho con nghe. Bạn cần đọc trước nội dung cuốn sách, chọn phong cách đọc là hài hòa hay kịch tính, … truyện có những nhân vật nào, đặc điểm của mỗi nhân vật ra sao để thể hiện được nhân vật một cách tốt nhất. 
  • Đọc đi đọc lại nhiều lần cho từng cuốn sách. Bạn không cần chạy theo số lượng mà nên đọc kỹ. Việc nghe và hiểu rõ sẽ giúp con thấy tự tin hơn, điều này cũng giúp hình thành các vùng an toàn trong não bộ, giúp con yêu thích việc đọc sách hơn. 
  • Thay đổi sách đã đọc, giúp con không ngại khám phá, thử sức với những điều mới mẻ.

Cả nhà cùng nghe nhạc và nhảy theo điệu nhạc để cảm thấy yêu đời hơn

Nếu nói về điều gì khiến cuộc sống nhẹ nhàng, không căng thẳng, tôi sẽ trả lời ngay đó là âm nhạc. 

Âm nhạc là liều thuốc kỳ diệu nhất giúp chúng ta nhanh chóng thay đổi tâm trạng, luôn yêu đời. Giúp tăng hiệu quả làm việc, tăng khả năng giao tiếp tốt hơn. 

Khi vui nghe nhạc dance, khi đắn đo suy nghĩ nghe nhạc baroque, buồn nghe nhạc thư giãn của Kenny, nhạc không lời, nghe nhạc Trịnh, nhạc Lê Cát Trọng lý để chiêm nghiệm cuộc sống, nghe nhạc bất hủ US-UK để học tiếng Anh, đôi khi nghe nhạc Hải ngoại để cảm thấy yêu đời, yêu người, yêu quê hương và tất nhiên không thiếu những bài hát thiếu nhi vui nhộn gần gũi với các con. 

Cả nhà cùng nghe nhạc và vận động

Khi nghe nhạc bạn hãy: 

  • Bật nhạc audio, dạng file mp3 để cả nhà cùng tập trung cảm thụ âm nhạc, các video thường có hình ảnh khiến các bé bị phân tâm. Tôi thường cho con nghe nhạc, nếu xem video sẽ là cả nhà cùng xem trong một thời gian nhất định. 
  • Chọn nhạc không có phần quảng cáo, nếu bạn nghe nhạc online sẽ thấy một số ứng dụng có kèm rất nhiều quảng cáo, điều này làm gián đoạn quá trình nghe nhạc, cảm thấy không được trọn vẹn và bị phân tâm. 
  • Khi nghe nhạc cả nhà cùng lắc lư theo điệu nhạc, vận động theo nhạc sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn. 

Một số nguồn nghe nhạc phổ biến, dễ tìm kiếm nhất tại Việt Nam: 

  • Youtube
  • Zing MP3 account VIP

Trò chơi chữ giúp tăng khả năng sử dụng ngôn ngữ của bé 

Sử dụng ngôn ngữ tốt sẽ làm chất lượng cuộc sống của chúng ta tăng lên đáng kể. 

Còn gì tuyệt hơn khi chúng ta có thể nói ra, viết ra tâm trạng của mình. 

Một em bé hạnh phúc sẽ có khả năng giao tiếp tốt, có thể nói lên cảm xúc, suy nghĩ của mình, có những mối quan hệ tốt với những người xung quanh, do vậy con sẽ không bao giờ buồn chán. 

Một số trò chơi chữ tôi thường chơi với con:

  • Trò chơi cùng tìm các từ có nguyên âm, phụ âm nào đó như a, o, i, u, …
  • Trò chơi nối từ như mẹ đi chơi, chơi với con, con mèo, mèo tam thể, thể thao, …. 
  • Trò chơi cùng nhau kể chuyện: hôm nay có chuyện gì vui nhất, mấy mẹ con thường kể vào giờ ăn cơm hoặc giờ trước khi đi ngủ, con lúc nào cũng rất hào hứng kể chuyện, còn mẹ thì ngày nào cũng phải nghĩ ra làm việc gì đó thật thú vị để tối còn kể cho con nghe. 

Để có thể làm được các điều này, bản thân tôi thấy mình phải thường xuyên đọc sách, tìm hiểu để làm phong phú vốn từ của mình, và có thể kể cho con nghe rất nhiều chuyện. 

Trò chơi tính nhẩm toán học giúp con yêu thích toán học một cách tự nhiên 

Trước đây tôi thường ngại khi nói về kế toán hay các con số, nhưng thực ra nó lại vô cùng cần thiết. 

Mọi người cũng thường hay tự nhận mình không tính toán nhanh, không biết tính toán, nhắc tới việc thu chi tiết kiệm thì thường nói đó là việc của vợ/chồng mình. Có thể cũng do xuất phát từ việc ngại tính toán mà ra. 

Để con không sợ toán và thích toán học một cách tự nhiên, tôi thường sử dụng các ví dụ thực, các đồ dùng có trong cuộc sống hàng ngày của gia đình nhất là những thứ con thích. 

Ví dụ như: hôm nay mẹ cho con 5 chiếc kẹo gấu đem lên lớp, bạn Sóc xin mất 2 cái, vậy là con mấy cái, …. 

Tiếp theo, có một cách tính nhẩm vô cùng nhanh và hiệu quả mà không cần thiết có các đồ vật thực tế đó là tính nhẩm bằng tay. Con có thể dùng các ngón tay để tính toán một cách linh hoạt, nhanh chóng. Sau đó tăng tốc độ các câu đố để con quen dần.

Bé làm Youtuber nhí, review đồ chơi và nói về điều mình thích 

Các video trên youtube luôn khiến các bé say mê, chìm đắm xem có thể cả tiếng đồng hồ. 

Tôi luôn dành thời gian nhất định cho con xem video trên youtube (20-30 phút/ngày). Các video thường là review đồ chơi bằng tiếng Anh và tiếng Việt, video kể các câu chuyện ngụ ngôn, chuyện cổ tích, bài học cuộc sống. 

Mỗi khi xem video, con thường bắt chước các nhân vật và rất thích được quay phim lại. 

Do vậy, bạn hãy để quay lại các video do con là nhân vật chính, con sẽ vô cùng thích thú đấy ạ. 

Để quay được các video một cách chỉn chu, giúp bé tăng sự tự tin, thích thú mỗi khi xem lại, bạn có thể thực hiện theo 3 bước đơn giản như sau: 

Bước 1: Chuẩn bị: ở bước này, bạn sẽ cùng con bàn bạc trong video này sẽ cùng review về đồ chơi gì, ví dụ chọn một bộ đồ chơi con yêu thích nhất là bộ đồ chơi trang điểm dâu tây bằng gỗ. 

Tiếp theo bạn hỏi con xem theo con video hay cần các nội dung gì, và hai mẹ con cùng bàn bạc thống nhất như: bắt đầu sẽ chào, giới thiệu tên, sau đó giới thiệu tên đồ chơi, tại sao con lại yêu thích nó, giới thiệu các bộ phận của đồ chơi, công dụng của từng thành phần, demo cách sử dụng, cuối cùng là chào tạm biệt, chúc sức khỏe và hãy yêu thích kênh của tôi bạn nhé, …

Cứ như vậy cho tới khi thống nhất và chúng ta sẽ quay thử cho con nếu cần. 

Bước 2: Quay phim: bố mẹ tiến hành quay phim cho con, chú ý chọn không gian thoáng đãng, gọn gàng, chuẩn bị bố cục hợp lý, ánh sáng tự nhiên, vừa phải. 

Trong khi quay, bố mẹ cần tập trung lắng nghe, để bé thực hiện thật tự tin phần của mình.

Bước 3: Cùng nhau xem lại và gửi cho những người thân quen nhất của gia đình. 

Chơi đồ hàng, trò chơi không bao giờ chán của các bạn nhỏ 

Trò chơi đồ hàng là trò chơi gắn bó với tuổi thơ của mọi người nhiều nhất, chỉ cần 2-3 đứa bạn tụ tập lại, thậm chí chỉ cần một mình là có thể chơi được. 

Cả nhà cùng chuẩn bị tiệc sinh nhật

Các trò chơi đồ hàng như diễn kịch về động vật, công chúa – hoàng tử, đóng vai các bạn trong lớp, đóng vai làm bố mẹ, đi siêu thị, làm bác sĩ, …  luôn được các bạn rất yêu thích. 

Với tôi, việc đóng kịch, kể câu chuyện luôn được sử dụng gần như hàng ngày.

Cách để tăng vốn từ vựng cho bé để bé có được vốn từ phong phú khi chơi diễn kịch: 

  • Thường xuyên đọc sách cho bé nghe, nội dung sách có các đoạn hội thoại ngắn để bé có thể hiểu, và có thể học theo nhanh chóng. Các bộ truyện như Bubu, Chuột TIP, … đều có những đoạn hội thoại như vậy.
  • Cho bé xem một số video có các đoạn hội thoại.
  • Xem và nghe các câu chuyện ngụ ngôn, sự tích, truyện cổ tích. Truyện ngụ ngôn ngắn gọn, dễ hiểu, cốt truyện đơn giản, thường có 2-3 nhân vật mẹ đọc nhanh và có thể nói chuyện thêm cùng con. Các Sự tích cũng rất thú vị, các câu chuyện thường kể về vì sao 1 vật nào đó lại có như sự tích hoa hồng, sự tích quả dưa hấu, … bạn hoàn toàn có thể tự sáng tạo ra các câu chuyện của riêng mình cho con nghe. Ví dụ như: sự tích cái gối, sự tích đồ chơi gấu bông, sự tích bộ đồ chơi trang điểm. Những câu chuyện nhẹ nhàng này sẽ giúp các bé thêm yêu và quý trọng các đồ vật của mình, từ đó có ý thức giữ gìn đồ dùng, cất gọn ngăn nắp hơn. 

Chú ý cẩn trọng khi chọn những câu chuyện cổ tích. Các câu chuyện cổ tích thường khá dài, thông thường phải tách thành nhiều buổi mới có thể đọc hết cho con nghe. Một số câu chuyện có kết thúc không nhân văn, cha mẹ cần chọn lựa truyện cho phù hợp với độ tuổi và khả năng tiếp thu của bé, có thể có các phiên bản rút gọn dễ hiểu hơn để kể cho các bé nghe.

Trò chơi ghép tranh PUZZLE giúp bé mê mẩn cả ngày không chán 

Ghép tranh là trò chơi cần sự kiên trì, bền bỉ, cần có trí tưởng tượng phong phú, khả năng quan sát tốt, và kết hợp nhanh nhẹn giữa tay và mắt. 

Việc hoàn thành từng nhiệm vụ nhỏ cũng khiến cho bé cảm thấy tự tin, tự hào về bản thân, từ đó giúp bé vững chãi hơn trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống. 

Khi chọn đồ chơi, tùy thuộc vào độ tuổi, khả năng tiếp thu và tình hình kinh tế để chọn các bức tranh phù hợp. 

  • Các bé nhỏ 1-2 tuổi có thể chơi các bộ xếp hình bức tranh bằng gỗ.
  • Lớn chút có thể chọn các bức tranh 9 miếng ghép, 16, 24, 48 và dần dần là 100 miếng ghép. 
  • Trong các lần chơi đầu tiên bạn hãy chơi cùng con để bé cảm thấy yêu thích, hào hứng với công việc.
  • Khi lắp ghép tranh, tôi thường ghép phần cạnh và khung tranh trước, sau đó đến phần bên trong của tranh. 

Vận động ngoài trời tăng hấp thụ vitamin D 

Tầm quan trọng của vận động ngoài trời chắc chắn không cần bàn cãi thêm nữa. 

Những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong tuổi thơ của tôi là những lần được ra đồng cỏ vui chơi cùng bạn bè. 

Được nằm sõng soài trên bờ cỏ, ngắm nhìn những đám mây trắng trên bầu trời xanh mát. 

Bây giờ khi hỏi con, con nhớ điều gì nhất, bạn ấy sẽ vanh vách kể về những chuyến đi của mình cùng gia đình: 

  • Nhớ được chơi cát cùng bạn Anna người Nga ở bờ biển Nha Trang. 
  • Nhớ chuyến đi Thung Nham Ninh Bình, được chơi cùng các anh ở căn phòng đại gia đình, được chạy nhảy từ giường này sang giường khác, rồi cùng trèo qua cửa sổ ngay cạnh ra ngoài ngắm hồ rộng mênh mang. 
  • Nhớ được cùng các bạn vui chơi bên bờ suối Đà Bắc, Hòa Bình. 
  • Và thích nhất được chơi nhà bóng, chơi đu xà hàng ngày cùng cha mẹ ở khu vui chơi trong khu nhà mình. 
Cả nhà cùng đi nhà cây

Bạn hãy lên kế hoạch cho chuyến đi của gia đình mình ngay nhé, 

Cùng làm và thưởng thức các món ăn ngon 

Tôi quan niệm một em bé hạnh phúc trước tiên là một em bé khỏe mạnh. 

Để con ăn được ngon miệng và hấp thu được khi cảm thấy vui vẻ khi ăn mà không bị áp lực nào. 

Những ngày con ở nhà tôi thường tự mình chuẩn bị bữa ăn cho con. Các bữa chính như hàng ngày và bữa phụ thường là các món con đặc biệt yêu thích như Pizza, mỳ Ý, phở, … 

Mỗi khi làm món ăn, bạn hãy nhờ con hỗ trợ cùng một khâu nào đó như nhặt rau, rửa rau, lấy bát đĩa, kéo, … con sẽ rất thích thú đấy.

Ba mẹ con cùng làm Pizza

Trên đây là 12 trò chơi thú vị của cả gia đình. 

Các bạn hãy chơi cùng con và để lại bình luận bên dưới những góp ý, nhận xét, hay kết quả bạn đã thực hiện trong phần comment bên dưới để chúng tôi hoàn thiện bài viết hơn. 

Chúc bạn và gia đình có những trải nghiệm vui vẻ, ý nghĩa bên nhau.

Share the Post:

Related Posts