Review Khóa Học Montessori Quốc Tế AMI Lứa Tuổi 0-3, Khóa Học Về Nuôi Dạy Con Uy Tín Chất Lượng Cho Giáo Viên Và Cha Mẹ

Phương pháp giáo dục Montessori tại sao lại nổi tiếng tới vậy? Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cùng bạn khóa học trợ tá Montessori 0-3 do hiệp hội Montessori Quốc tế AMI đào tạo và cấp bằng. Khóa học này mỗi năm chỉ được tổ chức một lần tại Việt Nam.

Thông tin về hiệp hội bạn có thể tham khảo chính thống tại đây.

Có một nghề bạn cần làm suốt cuộc đời, đó là hành trình dài và cũng rất đáng để làm, đó là nghề làm cha mẹ. 

Nhưng thật nghịch lý là một nghề quan trọng như vậy mà chẳng có trường lớp nào đào tạo. 

Bạn có thể nuôi con theo bản năng. 

Hay nuôi con theo cách mà bạn đã được nuôi dạy. 

Còn mình, mình cóp nhặt ở rất nhiều nơi, khi có vấn đề về nuôi dạy con, mình sẽ làm theo 4 bước: Tự tìm hiểu qua google, sách, hỏi chuyên gia, hỏi người thân trong gia đình, rồi hai vợ chồng bàn bạc, và tự mình ra quyết định cuối cùng. 

Nhưng có những điều mà bạn có dành thời gian tìm hiểu cũng chưa chắc đã hiểu được hết. 

Mà cần trải nghiệm và học chuyên sâu cùng các chuyên gia. 

Khóa học triết lý Montessori cũng là như vậy đấy. 

Bạn có thể đọc rất nhiều sách, và nghe rất nhiều người nói. 

Nhưng chỉ khi bạn học chuyên sâu cùng các chuyên gia thực sự, học từ kiến thức gốc, bạn sẽ nhận được những giá trị tốt đẹp cho chính bản thân và cho các con của mình. 

Giới thiệu về phương pháp tiếp cận triết lý giáo dục Montessori 

Phương pháp Montessori là những triết lý giáo dục do bác sĩ/nhà giáo người Ý Maria Montessori (1870–1952)  sáng lập và được áp dụng rộng rãi trên hầu hết các quốc gia trên thế giới cho đến ngày nay. 

Bạn có thể tham khảo chi tiết về phương pháp giáo dục Montessori trên Wikipedia.

Điểm nổi bật của phương pháp này là tôn trọng sự khác biệt của trẻ, tạo môi trường để trẻ được độc lập, tự do trong khuôn khổ, tôn trọng tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cung cấp cho trẻ các kiến thức, kỹ năng để hình thành nhân cách cho trẻ. 

2 lý do mình tham gia khóa học này

Để hiểu và áp dụng triết lý Montessori với việc nuôi dạy con

Thực sự, có nuôi con mới biết lòng cha mẹ, và có nuôi hai đứa con mới biết làm mẹ vất vả biết bao. 

Trước khi tham gia khóa học này, mình gặp khá nhiều vấn đề về nuôi dạy con. Khi chỉ có 1 mình bạn lớn, mình thấy việc nuôi dạy con rất nhẹ nhàng. Nhưng kể từ khi có bé thứ hai có rất nhiều vấn đề phát sinh mà mình chưa thể xử lý được.

Xưa thời ông bà và các cụ mình sống trong thời chiến tranh loạn lạc, hàng ngày, chỉ cần được an toàn, được sống là may mắn, hạnh phúc. mình thời bố mẹ mình thì kinh tế khó khăn, hàng ngày cũng chỉ mong nuôi được con khôn lớn. 

Nhưng đến thời của bạn và mình, mọi thứ đã hoàn toàn khác rồi. Chúng ta sống trong một xã hội đầy rẫy những cám dỗ của các thiết bị công nghệ, TV, internet, iPad, điện thoại. Chúng ta hàng ngày đều bị tác động của quá nhiều thông tin và có những thứ chúng ta còn chưa hề biết mình. Có những thứ có quá nhiều thông tin trái chiều khiến bạn hoang mang thực sự. 

Nên mình quyết định tự mình tìm hiểu, áp dụng. 

Để khám phá và chuyển hóa bản thân mình 

Mỗi lần đi học, mình lại cảm thấy mình tươi mới và nhẹ nhàng hơn. 

Có những điều mình cảm thấy mình rất khó để có thể thay đổi, đôi khi mình tự cho mình được lười biếng 1 chút, qua loa 1 chút cho cuộc sống đơn giản đi. 

Nhưng không phải như vậy, làm mẹ không chỉ cần tình yêu thương, mà còn cần cả kiến thức nữa. 

Muốn thay đổi được con, bạn cần thay đổi chính bản thân mình trước đã. 

3 điều tâm đắc nhất mình đã học được từ khóa học 

Cách quan sát, sự hiện diện không xâm lấn 

Chúng ta thường quen với việc, trẻ phải làm một việc gì đó, chúng ta quen can thiệp vào mọi hành động của trẻ. 

Khi học khóa học này, điều tôi tâm đắc nhất đó là cách quan sát trẻ. Quan sát chính con mình, quan sát không kèm theo định kiến của bản thân mình, tách biệt cảm xúc cá nhân của mình ra, bạn chỉ đơn thuần quan sát, ghi chép, tổng hợp lại, và bạn sẽ phát hiện ra rất nhiều điều thú vị của con mình. 

Để có thể quan sát được trẻ, bạn cần tạo ra một môi trường an toàn, để con được vui chơi, làm việc một cách tự do, không có vật cản, con được tập trung toàn tâm toàn ý với công việc của mình.

Thuận tự nhiên, mọi thứ sẽ nhẹ nhàng đơn giản

Người lớn thường tạo cho trẻ những thói quen, những thứ mà trẻ có thể bị phụ thuộc mới có thể phát triển bình thường được. Ví dụ, phải xem điện thoại mới ăn cơm, phải nghe nhạc mới đi ngủ, phải được quấn chặt mới ngủ, …

Nhiệm vụ của người lớn là cung cấp cho trẻ 1 môi trường an toàn, cung cấp cho trẻ những hướng dẫn cụ thể bằng cách làm mẫu. Còn lại hãy để trẻ tự làm việc

Mình được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ chính cô giáo Merry 

Cô Merry đã làm việc cùng trẻ em và phụ huynh hơn 40 năm. Năm nay cô đã 68 tuổi. Nhưng cô vẫn luôn mạnh khỏe, nhiệt huyết, luôn lắng nghe và truyền cảm hứng cho rất nhiều giáo viên và phụ huynh như tôi. 

Khác với rất nhiều người chỉ mong muốn tới lúc nghỉ hưu để được chơi, không phải làm gì hết thì cô chọn cách làm việc. 

Hình ảnh cô Merry và rất nhiều giảng viên Montessori khác nữa, có lẽ là niềm cảm hứng cho rất nhiều người về 1 phong cách sống và làm việc trọn vẹn tới khi mình không còn đủ sức làm việc nữa.

Chụp ảnh cùng cô Merry

4 lời khuyên dành cho các mẹ đang có ý định tham gia khóa học về triết lý giáo dục Montessori 

Hãy tìm hiểu thật kỹ về phương pháp Montessori, chỉ nên học khi bạn thấy phù hợp 

Hãy học với 100% năng lượng và sự tin tưởng: tuân thủ theo hướng dẫn 

Hãy quan sát con nhiều hơn 

Làm cha mẹ cần sự Yêu thương và cả Kiến thức. Đừng tùy tiện áp dụng khi chưa biết. 

Làm mẹ cần tình yêu và kiến thức

Bonus: Cách xử lý các tình huống xảy ra khi nuôi con trong độ tuổi 0-3 

Xử Lý Các Tình Huống Mà Ai Nuôi Con Giai Đoạn 0-3 Tuổi Cũng Gặp

Trong khóa học Montessori, các bạn học viên hỏi nhiều câu hỏi rất hay, mình thấy hầu như rất gần với việc nuôi dạy con của mình. Mình đã ghi chép lại tại đây, các bạn tham khảo, và hãy áp dụng ngay nhé.

Mỗi một câu hỏi đều có hệ thống lý thuyết, triết lý đằng sau rất đơn giản, khoa học. Trong ghi chép này, mình chỉ ghi lại phần cách xử lý. Nếu bạn quan tâm hay thắc mắc có thể comment, inbox để trao đổi thêm.

5 Nguyên tắc chung: 

#Tạo môi trường để bé có thể độc lập.

#Quan sát trẻ nhiều hơn, chỉ can thiệp khi cần (hiện diện không xâm lấn). 

#Cung cấp cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trẻ có thể độc lập. Luôn hướng dẫn và làm mẫu.

#Bạn chỉ có thể trao cho trẻ thứ bạn có: sự bình yên, kiến thức, yêu thương.

# Thuận tự nhiên mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng.

Dưới đây là cách xử lý một số tình huống: 

  • Có nên quấn bé sơ sinh? 

Đây là câu hỏi mình trực tiếp hỏi cô, vì xung quanh mình nhiều người áp dụng quấn cho bé để con không giật mình lúc ngủ và để chân tay thẳng ko bị cong. Mình thấy điều này rất phi khoa học, mình ko áp dụng cho con nên muốn được cô giải thích kỹ hơn. 

Trả lời: Không, không và không. Khi em bé ở trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày, em bé lúc này đã lớn và môi trường trong bụng mẹ khiến bé bắt đầu cảm thấy bức bối, muốn ra ngoài. Lúc này chúng ta nên chào đón bé, để bé thấy cuộc sống này tươi đẹp biết bao. Nếu bạn quấn bé thật chặt em bé sẽ cảm thấy thật bức bối, vô tình bạn đã tạo cho con một thói quen không lành mạnh, không tự nhiên và còn rất hại mình tâm lý và tinh thần của con. 

Còn việc em bé chân tay có thẳng hay không thì hoàn toàn do dinh dưỡng: khi mang thai, sữa mẹ, vitamin D3 và thức ăn cho con. 

Em bé 0-6 tuổi là giai đoạn tiếp thu một cách vô thức. Giai đoạn này trẻ có xu hướng thích nghi một cách tự nhiên. Bạn có thể cho con tiếp xúc với bất kỳ ngôn ngữ nào thì con sẽ có khả năng phát âm chính xác như người bản xứ. 

Sau giai đoạn này, con người sẽ có xu hướng điều chỉnh cho thích nghi với môi trường. Trẻ sẽ không thể phát âm chuẩn bản xứ nữa (hoặc rất khó). Giống như bây giờ bạn sống ở Mỹ 10 năm, bạn nói tiếng Anh mà bạn bè Việt Nam thấy rất chuẩn, nhưng 1 người Mỹ sẽ dễ dàng nhận ra bạn không phải người bản xứ khi nghe bạn nói. 

Do vậy, khi nào dạy tiếng Anh cho bé thì hoàn toàn phụ thuộc vào mục tiêu của bạn. Nếu bạn muốn con nói tiếng Anh chuẩn bản ngữ thì nên dạy sớm. 

Còn dạy như thế nào thì mình chưa chia sẻ tại đây. Vì nó rất dài.

  • Rèn con ngủ đúng giờ?

Ngủ là một nhu cầu tự nhiên của con người. Khi trẻ đã được đáp ứng đúng và đủ các yêu cầu của mình, trẻ hoàn toàn có khả năng tự ngủ. 

Việc bạn có thể làm để con đi ngủ sớm vào buổi mình đó là tạo ra một nghi lễ (lịch trình) đều đặn hàng ngày. 

VD: Sau khi ăn cơm xong 19h30, bạn cho con nghỉ ngơi, vui chơi, trò chuyện 15-30 phút, sau đó bạn cho con đi rửa mặt, chân tay, vệ sinh cá nhân, đọc sách, uống sữa, vệ sinh răng miệng, và tự ngủ. 

Bạn cần giảm dần các kích thích. Tắt hết TV, các thiết bị gây tiếng ồn > Tắt bớt đèn và tắt hết.

Bạn cần tạo một môi trường để con ngủ cố định và an toàn, chọn giường thấp hoặc chỉ cần đệm trên sàn nhà. (ở VN mình thì nên chọn giường thấp vì khí hậu nồm bạn nhé0

 > Em bé sẽ ngủ một cách tự nhiên.

  • Có nên bật nhạc, hát ru cho bé ngủ? 

Không. Âm nhạc để ta thưởng thức 

Em bé có khả năng tự thư giãn và ngủ sau khi đã làm được nhiều việc. Bạn có thể quy định một thời gian dành cho việc nghe nhạc hay mẹ hát cho con nghe. Việc này chỉ cần 1 thời gian ngắn để tăng sự kết nối giữa cha mẹ và con.

 Nhưng không để bé phụ thuộc vào nhạc hay nghe mẹ hát mới ngủ. 

Lời kết

Bài chia sẻ của mình chỉ là những tổng kết mình tự đánh giá sau khóa học này. Bạn hãy để lại comment, like hay chia sẻ bài viết này nếu thấy hữu ích nhé.

Share the Post:

Related Posts